Cẩm nang build PC: Làm thế nào để chọn đúng card đồ họa cho mình?

Khi build PC, một card đồ họa (GPU) yếu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hiệu năng của máy, từ đó làm suy giảm khả năng làm việc, chất lượng giải trí của bạn. Vì vậy, việc chọn một chiếc card tốt, phù hợp với nhu cầu sẽ là rất quan trọng.

Bên cạnh chip xử lý (CPU) thì card đồ họa (GPU) là một trong hai thành phần quan trọng nhất quyết định tốc độ của một dàn máy tính. Đó là bởi vì card đồ họa có thể được xem là một “máy tính mini” chịu trách nhiệm xử lý những dữ liệu từ CPU, và sau đó xuất ra màn hình. Tuy nhiên thị trường GPU ngày nay có quá nhiều sản phẩm và thương hiệu, khiến người dùng rối rắm khi lựa chọn. Nếu bạn không phải là người “rành 6 câu” về card đồ họa, hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong bài viết này của Sforum.

Đồ họa tích hợp

Ngày nay, công nghệ máy tính đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, trong đó những con chip đồ họa tích hợp (intergrated graphic) nằm ngay trong chip xử lý CPU được hưởng lợi rất nhiều. Chúng trở nên mạnh mẽ hơn hẳn, và có thể dễ dàng gánh những game 3D không đòi hỏi quá cao.

Ví dụ bạn có thể chơi các game như Liên Minh Huyền Thoại, Đấu Trường Chân Lý, Counter-Strike 2,… trên một CPU có đồ họa tích hợp mà không cần đến card rời. Dĩ nhiên là chất lượng hình ảnh và số lượng khung hình đều sẽ không đạt mức lý tưởng, nên nếu bạn quan tâm đến thành tích thì card đồ họa rời sẽ là phương án tốt hơn.

Tuy nhiên khi lựa chọn phương án đồ họa tích hợp trong CPU, bạn cũng phải chú ý rằng không ít CPU đời mới trên thị trường hiện tại không có chip đồ họa tích hợp. Cách phân biệt chúng như sau:

  • Với Intel, tất cả những CPU có ký tự “F” ở cuối đều không có đồ họa tích hợp. Ví dụ i9 14900KF, i7 13600F,…
  • Với AMD thì hơi rắc rối, do hãng này có rất nhiều kiểu đặt tên.
    • Nhìn chung, những CPU không có ký tự nào ở cuối tên, hoặc có X và XT đều không có đồ họa tích hợp. Ví dụ AMD Ryzen 5 3500, AMD Ryzen 5 5600X, AMD Ryzen 7 3600XT.
    • Các CPU có ký tự G ở cuối tên là có đồ họa tích hợp. Ví dụ Ryzen 3 3400G, Ryzen 5 4600G, Ryzen 7 5700G.
    • Dòng Ryzen 7000 có đồ họa tích hợp.

Bạn cũng có thể tìm đến trang web của Intel và AMD, tìm model CPU mình muốn mua và xem thông số kỹ thuật. Nếu nó không nhắc đến “APU”, “Graphics Specification” (AMD) hay intergrated graphic (Intel) thì là CPU không có đồ họa tích hợp.

Các card đồ họa rời thường mạnh mẽ hơn rất nhiều so với đồ họa tích hợp, đem lại số khung hình cao hơn khi chơi game, xử lý công việc nhanh hơn khi bạn cần chỉnh sửa Photoshop, cắt ghép video, dựng hình 3D,… Do đó nên khi cần đến sức mạnh xử lý, người dùng luôn phải xem xét việc mua hẳn card đồ họa mới.

Bạn cần chú ý gì khi mua card đồ họa rời?

Khi chọn card đồ họa để sử dụng – dù là làm việc hay chơi game, bạn cần chú ý đến một số yếu tố khác nhau:

  • Đầu tiên là kích thước. Các card đồ họa đời mới, cao cấp được trang bị nhiều quạt có thể rất dài, và không lắp vừa những thùng máy cỡ nhỏ.
  • Loại đầu nguồn phụ mà GPU cần. Khe PCIe trên mainboard chỉ có thể cung cấp 150W điện, trong khi các card đồ họa ngày nay ngốn nhiều hơn thế. Do đó, chúng ta sẽ phải cấp thêm điện cho card qua đầu nguồn phụ.
  • Công suất tiêu thụ điện của card đồ họa. AMD, Intel, NVIDIA đều ghi rõ lượng điện mà card đồ họa của họ cần, và các hãng sản xuất cũng đưa ra khuyến cáo về bộ nguồn, chẳng hạn Asus:

Những thông tin trên đều có thể được tìm thấy trên trang web của các nhà sản xuất card đồ họa.

Làm thế nào để chọn card đồ họa phù hợp?

Trong trường hợp bạn dự định mua máy tính (hoặc nâng cấp máy cũ) để chơi một tựa game nhất định, cấu hình tối thiểu và cấu hình đề nghị do nhà phát triển đưa ra là một nguồn thông tin tham khảo khá tốt. Nhưng nếu bạn cần thông tin chi tiết hơn thì hãy tham khảo những quy tắc mà Sforum đưa ra sau đây.

  • Chọn loại chip xử lý đồ họa tốt nhất mà bạn có thể mua được. Đây là thứ quyết định sức mạnh của card, quan trọng hơn tất cả những yếu tố khác. Nếu không quan tâm đến công nghệ mới nhất, chip đồ họa cao cấp thế hệ cũ có thể rẻ hơn và đem lại số khung hình cao hơn các chip tầm trung thế hệ mới nhất.
  • Chú ý đến dung lượng VRAM của card đồ họa. VRAM cao sẽ giúp card hoạt động tốt hơn khi bạn có màn hình độ phân giải cao, hay nhiều màn hình. Giữa 2 card đồ họa thì không phải lúc nào card có VRAM cao hơn cũng tốt hơn, nên đừng sa vào cái bẫy VRAM cao mà bỏ qua chip tốt. Bạn có thể đọc thêm về vấn đề này trong bài viết trước của Sforum.
  • Có thể tham khảo các công nghệ sử dụng AI để tăng số khung hình nếu bạn là game thủ. Vào thời điểm Sforum thực hiện bài viết này, NVIDIA có DLSS 3.5 còn AMD là FSR3 nhưng game phải hỗ trợ thì chúng mới chạy được.

A group of graphics cards, including (L-R) an MSI GeForce GTX 1050 OC 2GB, Zotac GeForce GTX 1060 AMP Edition 4GB and an Asus GeForce GTX 1070 Strix OC Edition 8GB, taken on January 20, 2017. (Photo by Olly Curtis/PC Gamer Magazine)

Quy tắc đặt tên chung của cả ba hãng sản xuất chip đồ họa là AMD, Intel, NVIDIA là số lớn hơn thì mạnh hơn, và nếu có thêm ký tự nào đó ở cuối thì là phiên bản cao cấp hơn / mới hơn. Ví dụ NVIDIA RTX 2070 Super mạnh hơn và mới hơn RTX 2070, AMD RX 7900 XTX mạnh hơn RX 7900XT. 
Theo Sforum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one